Nghệ Thuật Giao Dịch Có Kỷ Luật
Giao dịch trên thị trường tiền điện tử có thể rất thú vị, nhưng không thật sự đơn giản như một số người nghĩ. Đọc một số sách và bài viết trên internet, hoặc thậm chí trả tiền cho các bài học và phần mềm giao dịch đắt tiền, sẽ không đủ để giúp bạn trở nên giàu có chỉ sau một đêm. Vậy, tại sao không? Tại sao tỷ lệ thất bại lại cao như vậy đối với các nhà giao dịch mới mặc dù họ thông minh và nhiệt tình?
Câu trả lời rất đơn giản.
Đối với nhiều người, thành công trong cuộc sống là chỉ cần kiếm đủ tiền để sống một cuộc sống như mình muốn. Và một số họ tin rằng giao dịch tài chính sẽ giúp họ giải quyết được điều này. Điều này không phải là không thể, nhưng giao dịch thành công (rủi ro thấp và hiệu quả cao) dựa trên một nghịch lý rằng:
Lợi nhuận tài chính không thể là động lực của giao dịch mà là kết quả của nó. Động lực ban đầu khiến một người muốn giao dịch phải là KHÔNG để lợi nhuận xen vào hoạt động giao dịch.
Tại sao?
Bằng cách loại bỏ mục tiêu chính là tiền khỏi tâm trí, nhà giao dịch sẽ hiểu thị trường như một bài toán và nếu anh ta làm đúng thì lợi nhuận sẽ theo sau. Bằng cách tách biệt việc phân tích thị trường khỏi việc xem xét khoản lời lỗ, nói cách khác là suy nghĩ theo hướng giá chứ không phải tiền, bạn có thể phân tích thị trường một cách khách quan hơn.
Đó là vấn đề cố tình quên đi lý do tại sao bạn giao dịch (để kiếm tiền), để cho phép bộ não tập trung vào các tín hiệu mà thị trường thực sự mang lại thay vì các tín hiệu mà bạn muốn thấy. Mong muốn lợi nhuận khiến chúng ta nhìn vào các cơ hội ở nơi chúng không tồn tại và do đó trở thành nguồn cơn của sự sai lầm. Điều này ảnh hưởng đến tất cả các nhà giao dịch từ người mới bắt đầu đến người có kinh nghiệm: chúng ta đều là con người, do đó cảm xúc có thể ảnh hưởng đến phán đoán của chúng ta. Cuộc chiến giao dịch diễn ra ít hơn trên màn hình mà trong đầu chúng ta, giữa tiềm thức và quá trình đưa ra quyết định.
Kinh nghiệm chỉ ra rằng bất kỳ mối đe dọa nào đối với con người chúng ta cũng đều kích hoạt các phản xạ cảm xúc chính mà trí thông minh phân tích để phản ứng phù hợp. Hoạt động có lý trí xảy ra khi hoạt động vô thức gặp phải một vấn đề không thể giải quyết. Nhưng hoạt động có lý trí không phải là không thể sai lầm.
Thật vậy, hầu hết các quyết định đều được đưa ra trong bối cảnh có rủi ro nhất định và chúng ta có bản tính là không thích rủi ro. Điều này áp dụng nhiều trong việc quản lý cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng như trong những tình huống nguy hiểm hơn. Giao dịch nằm giữa hai thái cực này và chúng ta phải học cách quản lý để đạt được những sự lựa chọn tài chính tốt nhất.
Do đó, trước tiên chúng ta phải hiểu được cảm xúc của mình để phát triển quá trình đưa ra quyết định.
I/ Biết cảm xúc của bạn:
Tâm lý chiếm 80% công việc giao dịch. Ngay cả với phân tích kỹ thuật tốt nhất và có các công cụ để đưa ra quyết định tốt nhất, nhà giao dịch không bao giờ có thể là người chiến thắng nếu anh ta không thể kiểm soát trạng thái cảm xúc của mình. Thật vậy, phần cảm xúc trong trí thông minh của chúng ta không chỉ chiếm ưu thế mà còn phản ứng nhanh hơn phần phân tích.
1. Sự sợ hãi: Chúng ta đặc biệt sợ hãi trước khi tham gia giao dịch vì nỗi sợ mất tiền. Từ đó, chúng ta cân nhắc quá nhiều thông tin, gây mất thời gian, bỏ lỡ cơ hội. Áp lực tâm lý này sẽ buộc chúng ta phải vào một vị thế để không bỏ lỡ cơ hội, ngay cả khi tất cả các tín hiệu không phải là màu xanh.
Hành vi bốc đồng này gây ra nhiều khoản lỗ hơn là lợi nhuận. Sau đó, nỗi sợ hãi, thậm chí là tức giận, cũng xuất hiện khi vào vị thế mới. Lỗi không phải do thiếu kỹ năng mà là do sợ lỗ.
2. Hy Vọng: Khi một giao dịch không diễn ra như kế hoạch, một nhà giao dịch có thể hy vọng rằng thị trường cuối cùng sẽ diễn ra theo ý mình và thế là anh ta tăng quy mô vị thế của mình. Cảm giác mất mát lúc này bị che giấu bở sự hy vọng.
Hy vọng cũng thể hiện ở kỳ vọng về một cơ hội thắng, có lợi nhuận. Lúc này, anh ta không có chút nghi ngờ gì về một tín hiệu ngày cáng xấu đi trên thị trường để rồi anh ta ... không hành động gì cả.
3. Sự hưng phấn: Cảm giác hưng phấn có thể theo sau một loạt các thành quả, có thể dẫn đến cảm giác dễ chịu, hoặc thậm chí là bất khả chiến bại. Điều này có thể dẫn đến sự suy yếu trong phán đoán và nhanh chóng mất đi những thành quả trước đó. Sau đó là sự tức giận và mất mát trong một vòng xoáy lỗ chồng lỗ.
4. Sự giận dữ: Sau nhiều lần thua lỗ, cơn tức giận có thể đẩy chúng ta vào thị trường với ý định bù đắp lại những tổn thất trước đó. Đây là một loại hành vi thái quá. Một lần nữa, kết quả thường là thảm khốc, đôi khi dẫn đến hoảng loạn.
5. Hoảng loạn: là cảm giác không còn hiểu thị trường nữa. Bị choáng ngợp bởi thua lỗ, chúng ta bị tê liệt bởi sự bối rối và bất lực. Trong trường hợp này, chúng ta có hai lựa chọn: hành động bằng mọi giá (cần phải theo cách phi lý trí, vì người ta không còn khả năng phân tích kỹ thuật nữa) hoặc không làm gì cả và thoát ra.
Nhưng trong xã hội của chúng ta, thua lỗ thường gắn liền với sự xấu hổ. Và nỗi đau về mặt tâm lý có thể tồi tệ hơn nỗi đau về mặt thể xác vì nó mất nhiều thời gian hơn để chữa lành.
Mỗi khi một nhà giao dịch thấy mình trong tình huống tương tự như tình huống mà anh ta đã thua trước đó, nỗi đau đó có thể dễ dàng được gợi lại. Tổn hại về mặt tài chính, nhưng trên hết là về mặt tâm lý, đối với bản ngã của một người dẫn đến sự nghi ngờ về bản thân.
6. Sự nghi ngờ: là trở ngại chính đối với việc đưa ra quyết định. Trên thị trường có hai loại nghi ngờ. Loại nghi ngờ đầu tiên là sự nghi ngờ hệ thống của chúng ta, khiến hệ thống mất đi độ tin cậy và chức năng hướng dẫn. Loại nghi ngờ thứ hai là sự do dự, ngăn cản chúng ta hành động đúng lúc.
Do đó, việc nắm giữ một vị thế đòi hỏi một sự can đảm nhất định. Nhà giao dịch được thử thách. Và thử thách có thể dẫn đến thành công nếu anh ta tôn trọng hệ thống của mình một cách nghiêm ngặt, hoặc dẫn đến thất bại nếu cảm xúc của anh ta không được kiểm soát tốt.
Những cảm xúc này có thể dẫn chúng ta đến những hành vi trái với lợi ích của mình là không thể tránh khỏi vì đó là một phần của chúng ta. Do đó, giao dịch liên quan đến hai khía cạnh của não: lý trí, phát triển chiến lược để nắm giữ vị thế trên thị trường và cảm xúc, kích hoạt việc thực hiện chiến lược.
Do đó, mục tiêu là học cách đối phó với cảm xúc của bản thân. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể liên kết bản thân một cách tích cực với những cảm xúc. Vấn đề không phải là phớt lờ chúng mà là nhận ra sự tồn tại của chúng để buông bỏ chúng, để hướng đến trạng thái bình tĩnh và quyết tâm.
N.P.
Không có nhận xét nào